hand-with-pen Create a post

Khi nào cần đến bác sĩ tâm lý?

Thông thường khi cảm thấy ốm yếu về mặt thể chất, chúng ta có xu hướng tìm đến thầy thuốc còn khi có vấn đề về mặt tâm lý thì lại e ngại, rồi rơi vào trầm cảm

Cảm xúc cáu gắt, giận dữ, căng thẳng, mệt mỏi, suy giảm năng suất làm việc, không kiểm soát được hành vi ứng xử, dễ gây hấn, dẫn đến tắc nghẽn các mối quan hệ, làm tổn thương tình cảm của người thân, đồng nghiệp, bạn bè… khiến chất lượng cuộc sống giảm sút một cách nghiêm trọng là những dấu hiệu cảnh báo tinh thần bạn đang gặp bất ổn.

Bệnh tâm lý biểu hiện ra sao ?

Không phải ngẫu nhiên mà nghề bác sĩ tâm lý ở các nước phương Tây lại phát triển mạnh mẽ. Việc các ấn bản sách, tạp chí, website liên quan đến các vấn đề sức khỏe tâm thần nhận được sự quan tâm nhiệt tình từ độc giả. Đó không phải là kết quả của một trào lưu xã hội hay một thứ mốt nào cả mà đơn giản đó là do nhu cầu của con người – khi mà bên cạnh cuộc sống hiện đại bao giờ cũng kèm theo vô số những áp lực nặng nề khác.

Thông thường khi cảm thấy ốm yếu về mặt thể chất, chúng ta có xu hướng tìm đến thầy thuốc còn khi có vấn đề về mặt tâm lý, ứng xử thông thường là mặc kệ cho nó trôi đi hoặc lưỡng lự khi nhờ giúp đỡ. Theo thạc sĩ – chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ (Công ty tâm lý Trẻ, TP.HCM), những lúc ấy, thay vì chịu đựng để rồi rơi vào trầm cảm, bạn nên tìm tới sự tham vấn của các bác sĩ tâm lý.

Mặc dù tâm lý trị liệu không phải là ngành mới ở VN nhưng do nhiều người không phân biệt rõ giữa tâm lý và tâm thần nên nghĩ là ngành mới và thường gặp khó khăn trong việc tìm được nơi thích hợp để điều trị. Như thạc sĩ Minh Huệ mô tả, sức khỏe tâm thần là bao gồm cả những bệnh lý về tâm thần và cả những vấn đề thuộc về tâm lý. Nếu có sự hỗ trợ chặt chẽ giữa một bác sĩ tâm thần (trong trường hợp cần sử dụng thuốc) với một bác sĩ tâm lý thì việc điều trị sẽ có hiệu quả hơn, thời gian điều trị cũng sẽ được rút ngắn hơn.

Bất ổn về mặt tinh thần thường sẽ được bộc lộ ra ở thể chất với các triệu chứng: ăn không được, ngủ không ngon giấc, ói, buốt tay buốt chân, chỉ suy nghĩ thôi đã run rẩy, toát mồ hôi hột, mặt nóng phừng. Khi có những biểu hiện này, bác sĩ sẽ cho thuốc để giải quyết. Trong khi đó, bác sĩ tâm lý lại làm nhiệm vụ tìm ra nguyên nhân đằng sau của các triệu chứng đó là gì? Những biến cố nào tác động lên sức khỏe tinh thần vào thời điểm đó?…

Thông thường dấu hiệu giúp nhận biết tinh thần đang gặp khủng hoảng là chất lượng cuộc sống đột ngột giảm sút. Người bệnh không cảm thấy hài lòng với hiện tại của mình, với những gì mình đang có, cảm thấy mọi sinh hoạt bị cản trở, hiệu quả công việc không cao, không thể tập trung vào mục tiêu của mình, mất phương hướng, không thể thoát ra khỏi những vấn đề đang gặp phải, không đưa ra được quyết định dứt khoát, cảm thấy bị quá khứ ám ảnh hoặc quá lo lắng cho tương lai mà không tập trung vào hiện tại. Nếu không được điều trị, người bệnh sẽ không thể hoàn thành được công việc, không thấy được giá trị của bản thân hay ý nghĩa về sự tồn tại của mình, thậm chí còn có ý nghĩ muốn chết. Cơ thể không khỏe mạnh cộng với những suy nghĩ tiêu cực, chắc chắn sức khỏe tinh thần cũng bị tụt dốc theo, từ đó mọi thứ trong cuộc sống càng thêm rối rắm.

Trị liệu tâm lý có tác dụng hay không ?

Theo chuyên gia tâm lý Minh Huệ, thật ra một vài cuộc tham vấn tâm lý vào đúng thời điểm có thể giúp bạn giải quyết được khủng hoảng mà mình đang gặp phải. Những chuyên gia tham vấn giỏi thường hướng dẫn bạn tự tìm ra cách giải quyết vấn đề hiệu quả hơn thay vì cố gắng giải quyết vấn đề cho bạn. Nhiệm vụ của một chuyên gia tham vấn là dạy bạn cách để cuối cùng biến bạn trở thành nhà trị liệu cho chính bạn. Họ không thay đổi niềm tin của bạn bằng cách “tẩy não” mà họ giúp bạn xem xét những suy nghĩ đó ảnh hưởng tới bạn như thế nào?

Người tham vấn sẽ giúp bạn nhận ra những niềm tin cụ thể đang cản trở hoặc không có lợi cho bạn. Bạn sẽ học cách để đánh giá những niềm tin, giá trị, ý nghĩa và cả sự thừa nhận của mình. Ngoài ra, để việc trị liệu thành công, rất cần sự hợp tác chặt chẽ của người bệnh. Bởi khi hợp tác người bệnh sẽ trung thực với cảm xúc, suy nghĩ hay những thông tin mà mình đưa ra. Giữa bác sĩ và bệnh nhân bao giờ cũng cần phải thiết lập được một mối quan hệ tin tưởng để từ đó việc chia sẻ trở nên dễ dàng hơn.

Ở các nước phương Tây, khi nhận thấy chuẩn bị có sự thay đổi nào đó, người ta đã đến gặp bác sĩ tâm lý để đề phòng trường hợp biến cố xảy ra đột ngột, chẳng hạn: chuyển việc, chuyển chỗ ở hay sắp sửa đối phó với những khó khăn sau ly hôn… Trong khi đó, ở VN, sự chuẩn bị này ít được chú trọng nên từ đó dễ dẫn đến những hệ lụy khó lường cho sức khỏe tinh thần.

Vì thế, nếu cảm thấy mình đang vướng phải những vấn đề khó giải quyết hoặc bị ám ảnh bởi những suy nghĩ tiêu cực về bản thân và những người xung quanh, cách tốt nhất là nên đến gặp bác sĩ tâm lý bởi sự chia sẻ kịp thời rất quan trọng, ít nhất nó không làm cho sự việc rối ren thêm.

Bác sĩ tâm lý không nhất thiết lúc nào cũng đưa ra giải pháp, đôi khi chỉ cần ngồi lắng nghe cũng có thể giúp người bệnh tỉnh táo lại và từ đó họ sẽ tự đưa ra giải pháp phù hợp với bản thân. Tóm lại, nhiệm vụ của một bác sĩ tâm lý là chia sẻ để tìm hiểu nguyên nhân của những triệu chứng mà người bệnh đang gặp phải là gì, ý nghĩa của những triệu chứng đó như thế nào để sau đó cùng với bệnh nhân tìm ra hướng giải quyết. Những phương pháp trị liệu có thể khác nhau tùy theo mỗi bệnh nhân, chẳng hạn trong trị liệu tâm lý có phương pháp hành vi, nhận thức hành vi, tâm vận động hay hội họa, yoga, thiền…

Chúc các bạn luôn mạnh mẽ!!! 

Related Articles

Responses