hand-with-pen Create a post

lại: Nhút nhát có phải là bệnh?

Chào bạn Thienminh,

Cảm ơn bạn đã chia sẻ mối quan tâm của mình đến Nhatamlyhoc Vietnam nhé.

Trước khi mình đi sâu thêm về câu chuyện, đầu tiên chúng ta cùng phân biệt hướng nộinhút nhát nhé. 

Hướng nội là khi ta cảm thấy được phục hồi năng lượng, khoẻ khoắn hơn khi ở một mình, trong một môi trường có tối thiểu sự kích thích từ bên ngoài (như không có tiếng ồn).

Nhút nhát (hoặc ngại giao tiếp) là khi ta vẫn muốn kết nối với người khác, nhưng mình không biết cách hoặc không vượt qua được nỗi lo lắng và nỗi sợ người đó sẽ đánh giá mình không tốt, rằng họ sẽ khó chịu khi giao tiếp với mình.

Về cơ bản thì người nhút nhát hay người hướng nội, hoặc sở hữu cả hai đặc tính này không tính là “bệnh”. Nhưng sẽ cần lưu tâm nếu việc ngại giao tiếp khiến mình phải bỏ qua những cơ hội học tập hay công việc mình thật sự muốn.

Qua những mô tả về tình hình của bạn như mình rất sợ phải tiếp xúc với mọi người xung quanh, chủ động làm quen với người khác kể cả đồng nghiệp, và chơi thân với một người bạn duy nhất từ cấp 3 đến giờ, cùng với những đánh giá của mọi người xung quanh; thì Nhatamlyhoc Vietnam hình dung được và chia sẻ cùng bạn những khó khăn của bạn trong thời gian qua. 

Hãy chia sẻ thêm với Nhatamlyhoc Vietnam nếu trường hợp đáng lưu tâm về ngại giao tiếp được đề cập ở trên tương ứng với trường hợp của mình; hoặc bạn cảm nhận nỗi sợ hay lo lắng rõ ràng mỗi khi cần giao tiếp ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày; hoặc khiến bạn căng thẳng trầm trọng hay những dấu hiệu mà bạn cho rằng đáng lưu ý khác có tồn tại. Nếu không có thêm dấu hiệu nào khác, thì với những chia sẻ của mình đến hiện tại thì tình trạng của bạn không được xếp vào bệnh lý.

Bạn có chia sẻ rằng mình rất thích ngồi suy nghĩ về những câu chuyện đẹp và thường thì cũng không quan tâm người khác nói gì, nếu điều này đem đến cho bạn cảm giác tích cực, cũng như không ảnh hưởng tiêu cực đến sinh hoạt của bạn, thì điều này không sao đâu nhé.

Để hỗ trợ bạn vượt qua nỗi khó khăn liên quan đến các tình huống cần giao tiếp xã hội, Nhatamlyhoc Vietnam chia sẻ đến bạn những phương pháp sau:

Phương pháp 1. Dừng lại và hít thở sâu

Khi những suy nghĩ bắt đầu đưa bạn ra khỏi hiện tại, hãy giành lại quyền kiểm soát bằng cách ngồi xuống và hít thở sâu một vài lần. Chỉ cần dừng lại và hít thở có thể giúp khôi phục cảm giác cân bằng cá nhân và đưa bạn trở lại thời điểm hiện tại.

Phương pháp 2. Vượt qua suy nghĩ tiêu cực về tình huống

Chúng ta có thể xác định suy nghĩ tiêu cực và thay thế chúng bằng những suy nghĩ cân bằng hơn. Thách thức chúng bằng những câu hỏi như:

  • Những bằng chứng nào chứng minh suy nghĩ này đúng? Không đúng.
  • Tình huống này có thể giải thích dưới góc nhìn khác hay không?

Quá trình này sẽ giúp nhận thức của bạn cân bằng hơn và giảm tải cảm xúc tiêu cực.

Phương pháp 3. Tìm hiểu kiểu tình huống nào thường khiến ta thấy bất an

Ta có thể ghi lại cảm giác của mình trong nhật ký. Chia nhật ký thành 3 cột:

Cột 1 – Mô tả lại Tình huống gây nên sự lo lắng.

Cột 2 – Ghi lại những Suy nghĩ lo lắng của bạn.

Cột 3 – Ghi chú những Diễn giải của bạn về Tình huống và về Suy nghĩ lo lắng (ví dụ Suy nghĩ lo lắng này có hợp lý hay không).

Diễn tả và phân tích những ý nghĩ của ta trên giấy là một cách tuyệt vời để tìm hiểu kiểu tình huống nào thường khiến ta thấy bất an.

Phương pháp 4. Tập trung vào những gì bạn có thể thay đổi

Sau khi biết được những kiểu tình huống nào khiến ta bất an, ta có thể tìm cách xử lý cho từng tình huống. Bằng cách chủ động hơn, bạn có thể cảm thấy mình kiểm soát được tình hình của mình hơn một chút.

Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ chuyên gia về tham vấn tâm lý để giúp bạn đối diện cũng như xử lý những khó khăn về mặt giao tiếp xã hội hiệu quả hơn. Bạn có thể tìm kiếm chuyên gia tại:

https://nhatamlyhoc.com/therapists/

Hoặc gửi email trực tiếp để được hỗ trợ:

Psychologistvietnam@gmail.com

Nhatamlyhocvietnam@gmail.com

Thân mến và chúc bạn nhiều sức khỏe.

Related Articles

Responses