hand-with-pen Create a post

lại: Sự lo lắng thái quá của mẹ

Chào bạn Sheep,

Cảm ơn bạn đã chia sẻ mối quan tâm của mình đến với Nhatamlyhoc Vietnam.

Nhatamlyhoc Vietnam mạn phép hiểu câu hỏi của bạn theo hướng làm thế nào để bạn có thể hỗ trợ mẹ mình nhé.

Nhờ những chia sẻ của bạn, Nhatamlyhoc Vietnam phần nào hình dung được tình hình của mẹ bạn trong hơn 2 tháng vừa qua, bao gồm gọi đến nơi làm và trường học 2 – 3 lần mỗi ngày để kiểm tra tình trạng của con vì lo con bị thương tích, dù cô biết “lo lắng là thừa”; những hành động như mua đồ hay uống cà phê đều liên quan đến số 3 vì cô cho rằng “đủ 3 trở lên thì 3 mẹ con sẽ bình an vô sự” và nếu làm không đúng thì lo rằng “một trong ba người sẽ bị cái gì đó”. Nhatamlyhoc Vietnam ghi nhận được sự lo lắng của cô dành cho gia đình và chúng tôi cũng đồng thời ghi nhận sự quan tâm và nỗ lực tìm kiếm nguồn hỗ trợ của bạn dành cho mẹ mình.

Những dấu hiệu thay đổi về sức khoẻ tinh thần ở trên có một số dấu hiệu tương đồng với dạng suy nghĩ ám ảnh (lo lắng hai con sẽ bị thương dù biết lo lắng là thừa; tin rằng làm gì cũng đủ 3 thì 3 mẹ con sẽ không bị gì) và hành vi cưỡng chế (lặp lại việc gọi điện mỗi ngày và làm gì cũng liên quan đến số 3 vì khi làm sẽ bớt lo lắng) thuộc Rối loạn Ám ảnh Cưỡng chế. Nhưng trong trường hợp này, Nhatamlyhoc Vietnam chưa thể đưa ra kết luận cuối cùng về tình trạng của cô có phải là dấu hiệu thuộc rối loạn trên hay không. Theo những thông tin bạn chia sẻ, Nhatamlyhoc Vietnam đề nghị bạn cùng cô liên hệ thăm khám với các chuyên gia về sức khoẻ tâm thần hoặc nhà trị liệu tâm lý để có thể xác định chính xác tình trạng của mình và nhận được sự hỗ trợ tương ứng sớm nhất có thể.

Để hỗ trợ cô có thể giải toả căng thẳng và lo âu, Nhatamlyhoc Vietnam chia sẻ đến bạn một số phương pháp có thể hỗ trợ cô nhé:

Phương pháp 1. Tăng cảm giác kiểm soát với tình huống lo âu

Ta có thể để một quyển sổ ghi chép bên cạnh mình và ghi chú vào đó mỗi lần thực hiện hành động lặp lại.

Điều này giúp ta cảm giác kiểm soát tốt hơn trong các tình huống, từ đó giảm đi cảm giác căng thẳng.

Phương pháp 2. Ghi lại cảm giác của ta trong nhật ký

Chia nhật ký thành 3 cột:

Cột 1 – Mô tả lại Tình huống gây nên sự lo lắng.

Cột 2 – Ghi lại những Suy nghĩ lo lắng của bạn.

Cột 3 – Ghi chú những Diễn giải của bạn về Tình huống và về Suy nghĩ lo lắng (ví dụ Suy nghĩ lo lắng này có hợp lý hay không).

Diễn tả và phân tích những ý nghĩ của ta trên giấy là một cách tuyệt vời để tìm hiểu kiểu tình huống nào thường khiến ta thấy bất an.

Phương pháp 3. Chăm sóc tốt cho bản thân

Bồi bổ cơ thể bằng thực phẩm lành mạnh, nghỉ ngơi nhiều và nuôi dưỡng tâm hồn bằng cách đi lễ chùa hay nhà thờ hoặc tham gia những hoạt động khác để xoa dịu tâm hồn. Chăm sóc tốt cơ thể, trí não và tâm hồn của mình sẽ giúp ta ứng phó tốt hơn với sự lo âu.

Gửi đến bạn thông tin liên hệ:

Bạn có thể tìm kiếm nhà trị liệu tại:

https://nhatamlyhoc.com/therapists/

Hoặc hoặc liên hệ với các chuyên gia tại Nhatamlyhoc VietNam bằng cách gửi email trực tiếp để được hỗ trợ:

[email protected]

[email protected]

Thân mến chúc gia đình bạn nhiều sức khỏe.

Related Articles

Responses