hand-with-pen Create a post

PHÂN BIỆT GIỮA CHỨNG LO ÂU XÃ HỘI & CHỨNG TỰ KỶ (How to Tell the Difference Between Social Anxiety and Autism)

Nhìn bên ngoài, rối loạn lo âu xã hội và tự kỷ có thể giống nhau.
Cả người tự kỷ và người mắc rối loạn lo âu xã hội đều có thể trải qua các tình huống xã hội khác với những người khác.
 
Mặc dù chứng lo âu xã hội và chứng tự kỷ có thể đi kèm nhau nhưng cả hai đều là những tình trạng sức khỏe rất khác nhau.
 
Tuy nhiên, ngay cả các bác sĩ đôi khi cũng nhầm lẫn cả hai, dẫn đến chẩn đoán sai.
 
♣ Rối loạn lo âu xã hội và chứng tự kỷ giống nhau như thế nào?
Một điểm tương đồng chính giữa rối loạn lo âu xã hội và rối loạn phổ tự kỷ (ASD: autism spectrum disorder) là cả hai tình trạng này đều có biểu hiện khác nhau ở mỗi người.
 
Có rất nhiều điểm tương đồng bao gồm các triệu chứng và dịch vụ điều trị cho cả hai
Điều đó nói lên rằng, điều quan trọng là phải hiểu rằng lo âu xã hội không phải là một dạng tự kỷ và ngược lại.
 
♦Triệu chứng
Một lý do khiến rối lo âu xã hội và rối loạn tự kỷ bị nhầm lẫn là do một số triệu chứng giống nhau.
 
Theo nhà tâm lý học giáo dục và trị liệu Richelle Whittaker, các triệu chứng giống nhau giữa tự kỷ và rối loạn lo âu xã hội gồm:
 
✔giao tiếp xã hội hạn chế
✔ lo lắng
✔khó thích nghi với việc thay đổi kế hoạch
✔thiếu giao tiếp bằng mắt
 
♦ Chẩn đoán
Một nhà tâm lý học có thể chẩn đoán tự kỷ và rối loạn lo âu xã hội bằng cách sử dụng Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê về Rối loạn Sức khỏe Tâm thần, ấn bản lần thứ Năm (DSM-5). Đây là cuốn sổ tay do Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ xuất bản giúp các chuyên gia chăm sóc sức khỏe đưa ra chẩn đoán.
 
Chuyên gia chăm sóc sức khỏe sẽ khai thác các triệu chứng và tìm hiểu hành vi người đó trong các tình huống xã hội trước khi đưa ra chẩn đoán.
 
♦ Hoạt động của não bộ
Hạch hạnh nhân – bộ phận trong não điều khiển phản ứng trước nỗi sợ hãi có thể đóng một vai trò trong cả tự kỷ và rối loạn lo âu xã hội.
 
Thật ra, hoạt động của não bộ rất khác nhau trong rối loạn lo âu xã hội và tự kỷ; nguyên nhân đặc điểm thần kinh của tự kỷ vẫn chưa được tìm hiểu đầy đủ.
 
♦ Điều trị
Không phải ai cũng muốn “quản lý” hoặc “sửa” các đặc điểm liên quan đến chứng tự kỷ.
Whittaker nói: Mọi người có thể sống thoải mái và tiếp nhận hỗ trợ tùy theo mong muốn của họ.
 
Các lựa chọn điều trị và hỗ trợ cho tự kỷ bao gồm:
✔Trị liệu chức năng/ hoạt động
✔Huấn luyện kỹ năng xã hội
✔Phân tích hành vi ứng dụng
✔Liệu pháp nhận thức hành vi
 
❀Trị liệu chức năng/ hoạt động (occupational therapy)
Trị liệu chức năng/hoạt động thường là dịch vụ hàng đầu cho bệnh tự kỷ. Nó cũng có thể giúp mọi người đối phó với chứng lo âu xã hội.
 
Whittaker nói rằng nó có thể giúp giải quyết các tình huống và trải nghiệm như:
 
✔ chuyển đổi từ hoạt động này sang hoạt động tiếp theo
✔ không gian cá nhân
✔nhận thức cơ thể
✔ thăng bằng
✔tư thế
✔kỹ năng vận động tinh như viết chữ
✔kỹ năng sinh hoạt cá nhân như chải tóc và đánh răng
 
Whittaker nói: “Khi ai đó bắt đầu cảm thấy lo lắng, [chuyên gia trị liệu vận động] sẽ giúp họ các kỹ thuật thư giãn & cách giữ năng lượng đủ suốt cả ngày, giúp họ vượt qua những sự kiện sắp tới.
 
❀Đào tạo kỹ năng xã hội (Social skills training)
Huấn luyện kỹ năng xã hội là một dịch vụ phổ biến khác dành cho người tự kỷ và Whittaker cho rằng có thể hiệu quả đối với rối loạn lo âu xã hội.
 
Cô ấy nói thêm rằng mọi người có thể học cách đọc nét mặt và hỏi ai đó về ngày của họ trải qua ra sao. 
 
Một nghiên cứu nhỏ năm 2013 liên quan đến 58 thanh thiếu niên tự kỷ từ 11 đến 16 tuổi cho thấy rằng những người tham gia khóa huấn luyện kỹ năng xã hội sẽ gặp gỡ nhiều hơn và giảm lo âu xã hội.
 
Một nghiên cứu năm 2014 bao gồm 106 người trưởng thành cho thấy rằng huấn luyện kỹ năng xã hội là một cách hiệu quả để điều trị chứng rối loạn lo âu xã hội.
 
Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng liệu pháp hiệu quả xã hội – một dạng liệu pháp tiếp xúc, có thể hữu ích hơn.
 
❀Phân tích hành vi ứng dụng (Applied behavior analysis)
Phân tích hành vi ứng dụng (ABA) là một phương pháp điều trị khác được cung cấp rộng rãi cho chứng tự kỷ cũng có thể hỗ trợ chứng rối loạn lo âu xã hội.
 
Whittaker nói: “ABA giúp giảm bớt một số hành vi không điển hình và điều đó sẽ khiến người đó chú ý. Họ có xu hướng thay thế những hành vi đó bằng một cái gì đó dễ chấp nhận hơn.”
Ví dụ, nhiều người tự kỷ có xu hướng bị đơ hoặc có các hành vi tự kích thích liên quan đến các chuyển động hoặc âm thanh lặp đi lặp lại.
 
Thay vì một hành vi kích thích tạo sự xao lãng, gây rối hoặc không phù hợp, chuyên gia trị liệu ABA có thể giúp người đó khắc phục bằng những hành vi được chấp nhận hơn về mặt xã hội
Tuy nhiên, không phải ai cũng muốn thay thế những hành vi này.
 
Whittaker cũng lưu ý rằng liệu pháp ABA thường không áp dụng cách tiếp cận dành riêng cho từng cá nhân.
 
Trong những năm gần đây, các biện pháp can thiệp thay thế như thay đổi chế độ ăn uống đã được đề xuất để giúp điều trị ASD.
 
Tuy nhiên, một đánh giá năm 2019 về sáu nghiên cứu cho thấy rằng chỉ những người trải qua trị liệu bằng ABA và sử dụng điều trị kết hợp thuốc mới giảm được các triệu chứng kể trên và giúp họ tăng năng suất.
 
Whittaker nói rằng liệu pháp ABA cũng có thể giúp chữa chứng lo âu xã hội. 
 
❀Liệu pháp nhận thức hành vi (Cognitive behavioral therapy)
Nghiên cứu cho thấy liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) có thể hiệu quả với những người bị rối loạn lo âu xã hội.
 
Một thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng năm 2016 cho thấy những người bị rối loạn lo âu xã hội mà vẫn bị các triệu chứng sau khi dùng thuốc chống trầm cảm có thể cảm thấy hiệu quả khi điều trị bằng CBT.
 
CBT cũng có thể giúp những người mắc cả 2 chứng bệnh đồng thời là tự kỷ và rối loạn lo âu
Một nghiên cứu năm 2012 về trẻ tự kỷ mà cũng bị các triệu chứng rối loạn lo âu cho thấy những người được điều trị CBT đã cải thiện các tương tác xã hội và giảm các triệu chứng lo lắng sau 16 tuần.
 
♦ Tự kỷ chức năng cao (High-functioning autism) và rối loạn lo âu xã hội
Quy trình chẩn đoán tự kỷ hiện tại liên quan đến ba mức hỗ trợ tiềm năng cần thiết:
 
✔cấp độ 1: yêu cầu một số hỗ trợ
✔cấp độ 2: yêu cầu hỗ trợ đáng kể
✔ cấp độ 3: yêu cầu hỗ trợ rất đáng kể
 
Whittaker nói rằng tự kỷ cấp độ 1 vẫn là tự kỷ.
Tự kỷ là rối loạn thuộc hệ thần kinh, điều này làm cho nó khác với rối loạn lo âu xã hội, bất kể sự giống nhau về triệu chứng thuộc khả năng giao tiếp hoặc những yếu tố giống nhau khác của hai chứng bệnh này.
 
***Tự kỷ chức năng cao không phải là một chẩn đoán y tế chính thức. Nó thường được dùng để chỉ những người tự kỷ, những người đọc, viết, nói và quản lý các kỹ năng sống mà không cần nhiều sự trợ giúp.
 
♣ Tự kỷ và rối loạn lo âu xã hội khác nhau như thế nào
Sự khác biệt chính giữa tự kỷ và rối loạn lo âu xã hội là tự kỷ là một tình trạng rối loạn trong phát triển thần kinh, trong khi lo âu xã hội là một tình trạng sức khỏe tâm thần.
Các chuyên gia nói rằng điều cần thiết là phải chẩn đoán chính xác.
 
Megan Lawson – nhà tâm lý học tại Trung tâm Hướng dẫn Trẻ em Clarity ở San Antonio, Texas cho biết: “Điều quan trọng là việc hình thành khái niệm và chẩn đoán chính xác giúp đưa ra phương pháp điều trị tốt… và có thể tăng cường hiểu biết từ những người khác trong cuộc sống của cá nhân”.
 
Mặc dù chẩn đoán chính thức tốt nhất cần được thực hiện bởi một chuyên gia được cấp phép nhưng hiểu được sự khác biệt giữa chứng lo âu xã hội và tự kỷ có thể giúp mọi người tìm kiếm việc đánh giá.
 
Vì chứng tự kỷ và lo âu xã hội là những tình trạng riêng biệt, chúng có các triệu chứng và tiêu chuẩn chẩn đoán khác nhau.
 
*** Triệu chứng
Những người tự kỷ và những người mắc chứng lo âu xã hội dường như tránh giao tiếp bằng mắt.
 
Điều quan trọng là người tự kỷ không nhất thiết phải “tránh” giao tiếp bằng mắt vì lo lắng hoặc sợ hãi. Họ chỉ đơn giản là không giao tiếp bằng mắt ngay từ đầu, đó là một sự khác biệt rõ rệt.
 
Một nghiên cứu năm 2016 đã theo dõi chuyển động mắt của những người tự kỷ và so sánh nó với những người mắc chứng rối loạn lo âu xã hội. Các nhà nghiên cứu cho rằng những người tự kỷ nhìn về phía một người chậm hơn trong khi những người mắc chứng lo âu xã hội nhìn ra xa nhanh hơn.
 
Whittaker nhắc mọi người nhớ rằng rối loạn tự kỷ là một dạng phổ – spectrum (có sự khác biệt rộng rãi về loại và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng mà mọi người gặp phải) và mọi người có thể giao tiếp theo những cách khác nhau. Một số có thể hoàn toàn không nói, trong khi những người khác có thể tham gia vào các cuộc trò chuyện một chiều hoặc bỏ lỡ các tín hiệu xã hội.
 
Mặt khác, cô cho biết những người mắc chứng lo âu xã hội cố tình tránh các cuộc trò chuyện vì sợ hãi.
 
*** Chẩn đoán
Tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn lo âu xã hội và tự kỷ là khác nhau.
 
❀ Tiêu chuẩn chẩn đoán DSM-5 cho chứng tự kỷ bao gồm:
✔ những khác biệt dai dẳng trong sự phát triển kỹ năng xã hội, bao gồm nhưng không giới hạn ở việc thiếu các cuộc trò chuyện qua lại và sự khác biệt trong giao tiếp bằng mắt
✔ các mẫu hành vi lặp đi lặp lại, chẳng hạn như xếp đồ chơi
✔ các triệu chứng xuất hiện trong giai đoạn phát triển sớm, ngay cả khi những triệu chứng này không được chú ý
✔ các triệu chứng cản trở hoạt động hàng ngày như làm bài tập ở trường
 
❀ Tiêu chuẩn chẩn đoán DSM-5 cho chứng rối loạn lo âu xã hội bao gồm:
✔sợ bị đánh giá trong các tình huống xã hội
✔lo lắng liên tục trong các tình huống xã hội dù bối cảnh không đến mức lo lắng
✔tránh giao tiếp xã hội
✔nỗi sợ giao tiếp xã hội làm cản trở cuộc sống hàng ngày
✔sợ hãi ít nhất 6 tháng (và nỗi sợ hãi không bởi một tình trạng sức khỏe tâm thần khác, chẳng hạn như hoảng sợ hoặc rối loạn sử dụng chất kích thích hoặc một căn bệnh như Parkinson)
✔Chứng lo âu xã hội có thể phát triển ở trẻ em hoặc người lớn.
 
Whittaker nói: “Lo lắng xã hội có thể là kết quả của sang chấn tâm lý. Bộ não của bạn đang bù đắp cho điều gì đó đã xảy ra hoặc cố gắng ngăn điều gì đó xảy ra hoặc được hồi tưởng lại.”
Lo âu xã hội khác với chứng tự kỷ bởi vì tự kỷ không được kích hoạt bởi một sự kiện, trải nghiệm hoặc sang chấn.
 
*** Chức năng não
Hạch hạnh nhân có thể liên quan đến cả chứng tự kỷ và rối loạn lo âu xã hội, nhưng Whittaker cho biết nghiên cứu hiện tại ủng hộ quan điểm rằng chứng tự kỷ là vấn đề của sự phát triển thần kinh.
 
Mặt khác, lo lắng xã hội là về mặt tinh thần-cảm xúc.
 
Một nghiên cứu năm 2011 đã tìm thấy mối liên hệ giữa sự gia tăng hoạt động trong não tại hạch hạnh nhân và chứng rối loạn lo âu xã hội.
 
Một nghiên cứu năm 2016 với 32 người tham gia mắc chứng rối loạn lo âu xã hội cho thấy họ có phản ứng mạnh hơn ở hạch hạnh nhân trong các tương tác xã hội.
 
Và một nghiên cứu năm 2010 với 24 người, một nửa trong số đó là người tự kỷ, cho thấy những người tự kỷ có kết nối mạnh mẽ hơn giữa hạch hạnh nhân và vỏ não trước – một mạng lưới ảnh hưởng đến quy định cảm xúc.
 
Whittaker nói: “Thực tế là [người tự kỷ] có bộ não được kết nối khác nhau giải thích tại sao… họ gặp khó khăn trong việc xử lý cảm nhận và cảm xúc của mình,” Whittaker nói.
 
*** Điều trị
Các phương pháp điều trị cho chứng lo âu xã hội bao gồm:
 
❀ Trị liệu nhóm (Group therapy)
Trong trị liệu nhóm, mọi người thường ngồi và thảo luận về các triệu chứng và cách họ ứng phó.
Một đánh giá năm 2013 về 11 nghiên cứu chỉ ra rằng liệu pháp nhóm CBT có thể là một biện pháp can thiệp hiệu quả cho chứng rối loạn lo âu xã hội, mặc dù các nhà nghiên cứu lưu ý rằng chất lượng của các nghiên cứu là “vừa phải”.
 
Tuy nhiên, Whittaker nghĩ rằng nó có thể giúp ích. Whittaker nói: “Tôi nghĩ rằng liệu pháp nhóm có lợi cho những người mắc chứng lo âu xã hội. Một phần của lo lắng là suy nghĩ như bạn là người duy nhất có cảm giác này. Ở trong một nhóm sẽ giúp tránh cảm giác duy nhất này; giảm bớt nhạy cảm khi những người mắc chứng lo âu ở trong tập thể những người giống họ.”
 
Đối với người tự kỷ, Whittaker thường khuyến nghị huấn luyện kỹ năng xã hội thay vì trị liệu nhóm.
Cô ấy nói những người tự kỷ có thể muốn tìm hiểu thêm về cách tương tác xã hội hiệu quả hơn là cách xoa dịu lo lắng.
 
❀ Thuốc
Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe có thể kê đơn thuốc cho người tự kỷ để kiểm soát các tình trạng đồng thời xảy ra chẳng hạn như rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) hoặc lo lắng.
Tự kỷ cũng thường được chẩn đoán khi còn nhỏ và có khi những người chăm sóc có thể không muốn sử dụng các biện pháp can thiệp bằng thuốc tây.
 
Lawson nói: “Can thiệp sớm và các liệu pháp dành riêng cho bệnh tự kỷ và bất kỳ dịch vụ hỗ trợ cần thiết nào như trị liệu chức năng/ hoạt động và liệu pháp ngôn ngữ, thường được khuyến khích [đầu tiên].
 
Một đánh giá nghiên cứu năm 2017 cho thấy các chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) có thể là một phương pháp điều trị hiệu quả cho chứng rối loạn lo âu xã hội, mặc dù các nhà nghiên cứu lưu ý rằng bằng chứng tính hiệu quả chưa đủ thuyết phục. 
 
Whittaker nói rằng một nhà tâm lý học được đào tạo có thể giúp những người mắc chứng rối loạn lo âu xã hội tìm ra phương pháp điều trị tốt nhất cho họ.
 
♣ Cách phân biệt lo âu xã hội với tự kỷ
Cách tốt nhất để phân biệt giữa rối loạn lo âu xã hội và tự kỷ là bằng chẩn đoán chính thức từ chuyên gia sức khỏe như nhà tâm lý lâm sàng hoặc nhà thần kinh học.
 
Dưới đây là thông tin về quy trình cũng như cơ sở để bạn có thể xem xét bản thân và những người thân yêu của mình.
 
❀ Sàng lọc
Nhà tâm lý học sẽ sử dụng DSM-5 để chẩn đoán tự kỷ hoặc rối loạn lo âu xã hội. Không có “test” nào cho cả hai rối loạn này.
 
Sàng lọc bệnh tự kỷ sẽ bao gồm các quan sát về trẻ em hoặc người lớn, phỏng vấn với giáo viên, người chăm sóc và người được đánh giá.
 
Whittaker nói rằng một nhà tâm lý học sẽ đặt các câu hỏi về các triệu chứng, như:
 
✔Bạn cảm thấy thế nào trong các tình huống xã hội?
✔ Bạn có luôn cảm thấy như vậy không? Nếu vậy, những cảm giác này đã tồn tại được bao lâu?
✔Bạn có né tránh các tình huống xã hội không?
✔Liệu nỗi sợ hãi về tương tác xã hội có ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày của bạn không?
 
❀ Ở trẻ em
Hiểu biết cơ bản về khác nhau giữa tự kỷ và rối loạn lo âu xã hội có thể giúp cha mẹ hoặc người chăm sóc nhận biết các yếu tố sàng lọc và tìm kiếm sự giúp đỡ phù hợp cho trẻ em.
 
Whittaker nói: “Giả sử có một bài tập nhóm và con bạn không thích và hoàn toàn không tham gia. Đó là dấu hiệu cho thấy có thể là bệnh tự kỷ chứ không phải rối loạn lo âu xã hội. Trong lo âu xã hội, đứa trẻ tham gia nhóm nhưng không nói gì, [hoặc] chỉ đổ mồ hôi.”
 
❀ Người lớn
Tự kỷ thường được chẩn đoán ở thời thơ ấu nhưng một số người lớn bị tự kỷ có thể chưa bao giờ được chẩn đoán chính thức.
 
Whittaker nói rằng một trong những cách tốt nhất để nhận ra sự khác biệt giữa tự kỷ và lo âu xã hội là kiểm tra xem người đó phản ứng như thế nào với những lời mời tham dự các cuộc tụ họp.
 
“Nếu đó là chứng rối loạn lo âu xã hội, họ có thể tránh hoàn toàn các cuộc giao tiếp và tụ tập xã hội. [Những người bị] tự kỷ, họ có thể đến, [nhưng họ có thể] không tương tác, hoặc các cuộc trò chuyện của họ có thể là một chiều.”
 
♦ Chẩn đoán sai
Trên Reddit (một trang web tổng hợp tin tức xã hội, xếp hạng nội dung web và thảo luận của Mỹ), nhiều chủ đề đưa ra các câu hỏi từ người dùng về các chẩn đoán sai có thể xảy ra.
Whittaker nói rằng có trường hợp tự kỷ bị chẩn đoán sai còn rối loạn lo âu xã hội thì hiếm khi bị nhầm.
 
Cô nói rằng chẩn đoán bị bỏ sót về chứng lo âu xã hội ở người tự kỷ thường phổ biến hơn, bởi vì ngay cả các chuyên gia chăm sóc sức khỏe cũng có thể tập trung quá nhiều vào tình trạng của phát triển thần kinh liên quan đến tự kỷ hơn là sức khỏe tâm thần.
 
Tuy nhiên, bệnh nhân và người chăm sóc có thể đặt câu hỏi về chẩn đoán hoặc tham khảo thêm ý kiến khác.
 
♦ Các câu hỏi cần đặt ra và các điểm cần thực hiện
Whittaker cho biết việc đặt câu hỏi và thảo luận thêm về các yếu tố có thể gây ra các triệu chứng có thể giúp đưa ra kết quả chẩn đoán rõ ràng.
Cô ấy khuyên bạn nên bao gồm các bước cơ bản sau:
 
✔tuổi và năm chẩn đoán
✔ bất cứ điều gì đang xảy ra ở trường hoặc nhà vào thời điểm chẩn đoán
✔mô tả các triệu chứng, bao gồm tần suất và thời gian chúng xuất hiện
 
♦ Bài kiểm tra
Một nhà tâm lý học hoặc nhà thần kinh học sẽ đánh giá bạn hoặc người thân về chứng lo âu xã hội hoặc chứng tự kỷ, và có thể phân biệt giữa hai điều này.
 
♣ Thông điệp
Tự kỷ và lo âu xã hội là hai tình trạng khác nhau.
Tự kỷ là tình trạng liên quan đến hệ thần kinh và xuất hiện trong thời thơ ấu, trong khi rối loạn lo âu xã hội là một tình trạng sức khỏe tâm thần có thể phát triển ở thời thơ ấu hoặc tuổi trưởng thành.
 
Mọi người có thể có một hoặc cả hai chứng bệnh trên. 
 
Những người mắc chứng lo âu xã hội có nỗi sợ hãi tột độ trước các tình huống xã hội, thường sợ sự phán xét của người khác. Những người mắc chứng tự kỷ thường gặp khó khăn khi đọc các tín hiệu xã hội.
 
Các biện pháp can thiệp có thể bao gồm huấn luyện kỹ năng xã hội, trị liệu chức năng/ hoạt động và liệu pháp nhận thức hành vi.
 
Mọi người đều trải qua chứng tự kỷ và rối loạn lo âu xã hội khác nhau, vì vậy điều quan trọng là phải tìm ra những gì phù hợp nhất với bạn hoặc người thân của bạn.
 
Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe, giới thiệu từ cá nhân và các tổ chức vận động có thể giúp bạn tìm kiếm sự hỗ trợ.
 
Admin dịch từ nguồn: https://www.healthline.com/health/autism/social-anxiety-vs-autism?
 

Related Articles

Responses