hand-with-pen Create a post

TỔNG QUAN VỀ RỐI LOẠN ĂN UỐNG (All About Eating Disorders)

Những người bị rối loạn ăn uống thường có những liên hệ khó khăn với thức ăn và hình ảnh cơ thể.
 
Có nhiều loại rối loạn ăn uống. Mỗi loại liên quan đến các triệu chứng khác nhau. Ai cũng có thể mắc chứng rối loạn ăn uống bất kể chủng tộc, xu hướng giới, giới tính và các đặc tính nhân khẩu học khác.
 
Theo Hiệp hội Quốc gia về chứng biếng ăn và các chứng rối loạn liên quan, rối loạn ăn uống có thể xuất hiện ở ít nhất 9% dân số thế giới. Rối loạn ăn uống ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và thể chất và có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị.
 
Tìm hiểu thêm về chứng rối loạn ăn uống là bước đầu tiên cần thiết để tìm ra các cách điều trị và hỗ trợ phù hợp cho bạn hoặc ai đó mà bạn biết.
 
♦ Các loại và triệu chứng
Mỗi rối loạn ăn uống có một nhóm triệu chứng riêng nhưng có người sẽ có một loạt các triệu chứng rối loạn ăn uống. Tình trạng của bạn và cách rối loạn ăn uống ảnh hưởng đến bạn có thể sẽ khác với người khác.
 
Rối loạn ăn uống ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn. Chúng cũng có thể có ảnh hưởng đến hành vi của bạn.
 
Rối loạn ăn uống phổ biến bao gồm:
 
✔ Chán ăn tâm thần hay chứng biếng ăn (Anorexia nervosa): Chán ăn được biểu hiện khi bạn hạn chế lượng thức ăn của mình.
 
✔ Cuồng ăn (Bulimia nervosa): Chứng ăn vô độ liên quan đến một chu kỳ ăn uống vô độ: ăn nhiều thức ăn và sau đó sử dụng một số phương pháp để tống ra ngoài.
 
✔ Rối loạn ăn uống vô độ (BED: Binge eating disorder): Ăn một lượng lớn thức ăn và cảm thấy mất kiểm soát, không thể ngừng ăn.
 
✔ Rối loạn ăn uống hạn chế né tránh(ARFID: Avoidant restrictive food intake disorder): Hạn chế số lượng và loại thực phẩm nhưng không cảm thấy lo lắng về cân nặng hoặc hình ảnh cơ thể của họ.
 
✔ Pica: Chứng rối loạn ăn uống này liên quan đến việc ai đó ăn những thứ không phải là thức ăn, chẳng hạn như bụi bẩn hoặc sơn.
 
✔ Rối loạn rumination (Rối loạn nhai lại): Những người bị tình trạng này sẽ nôn ra thức ăn của họ bằng cách nhai lại, nuốt lại hoặc nhổ ra trong khoảng thời gian 1 tháng.
 
✔ Rối loạn ăn uống hoặc rối loạn ăn uống được chỉ định khác (OSFED): Chẩn đoán này được đưa ra khi một người nào đó có các triệu chứng rối loạn ăn uống nhưng không đáp ứng các tiêu chí của một trong các chứng rối loạn ăn uống ở trên.
 
♦Các triệu chứng tâm lý
Những người bị rối loạn ăn uống có xu hướng bận tâm hoặc không thể ngừng suy nghĩ về thức ăn, cân nặng và hình ảnh cơ thể. Điều này có thể gây ra một thiệt hại đáng kể về mặt tinh thần và cảm xúc.
 
Một số triệu chứng tâm lý của chứng rối loạn ăn uống bao gồm:
 
✔ Thường nghĩ về thức ăn, cân nặng và hình ảnh cơ thể
✔ Trầm cảm
✔ Cảm thấy lo lắng, cáu kỉnh, tội lỗi hoặc xấu hổ
✔ Cảm thấy “trơ lì” hoặc thiếu cảm xúc
✔ Thay đổi tâm trạng
✔Nhận thức về hình ảnh cơ thể bị bóp méo như tin rằng bạn có vẻ lớn hơn so với thực tế
 
♦ Triệu chứng thể lý
 
Rối loạn ăn uống có thể ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe thể chất của bạn. Những thay đổi mạnh mẽ trong ăn uống, thanh lọc và các hành vi khác có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và cơ thể của bạn.
 
Các triệu chứng cơ thể của rối loạn ăn uống bao gồm:
 
✔Thay đổi về trọng lượng như tăng, giảm hoặc dao động
✔ Cảm thấy lạnh mọi lúc
✔ Rụng tóc
✔ Chóng mặt, ngất xỉu hoặc cảm thấy lâng lâng
✔ Sưng tấy quanh vùng hàm của bạn – dấu hiệu của việc nôn mửa kéo dài
✔Răng bị ố vàng hoặc đổi màu và sâu răng do nôn mửa
✔ Các vấn đề về dạ dày như táo bón, chuột rút hoặc cơn đau
✔ Mất nước và thiếu hụt dinh dưỡng
 
Mặc dù rối loạn ăn uống có thể gây ra những triệu chứng thể chất này, nhưng không phải ai cũng mắc phải chúng. Rối loạn ăn uống và ảnh hưởng của chúng có thể khác nhau ở mỗi người.
 
♦ Triệu chứng hành vi
Có một số hành vi giống nhau ở những người mắc chứng rối loạn ăn uống. Mọi người thường tìm cách che giấu về hành vi của mình liên quan đến thức ăn và hình ảnh cơ thể. Những hành vi này có thể khiến người đó ngày càng cảm thấy bị cô lập hoặc tội lỗi.
 
Các triệu chứng hành vi bao gồm:
 
✔ mặc quần áo rộng thùng thình hoặc nhiều lớp quần áo
✔ thường xuyên ăn một mình và tránh dùng bữa với người khác hoặc nơi công cộng
✔ ăn kiêng liên tục
✔ suy nghĩ cứng nhắc về thực phẩm, hình ảnh cơ thể hoặc cân nặng, chẳng hạn như nghĩ về một số loại thực phẩm nhất định là tốt hoặc xấu
✔ tự cô lập với những người khác
 
♦ Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ
 
Các chuyên gia vẫn đang cố gắng tìm hiểu những gì chính xác gây ra chứng rối loạn ăn uống. Lưu ý quan trọng là rối loạn ăn uống không phải là một vấn đề “phù phiếm” đơn giản mà là một tình trạng sức khỏe tâm thần phức tạp.
 
Nhiều người sử dụng các hành vi rối loạn ăn uống để đối phó với những cảm xúc và trải nghiệm đau buồn.
 
Theo Liên minh Quốc gia về Bệnh Tâm thần (NAMI), một số yếu tố góp phần làm tăng khả năng mắc chứng rối loạn ăn uống như:
 
✔ Gen: Tiền sử gia đình mắc chứng rối loạn ăn uống hoặc các tình trạng sức khỏe tâm thần khác có thể làm tăng khả năng mắc chứng rối loạn ăn uống.
✔ Yếu tố môi trường: Việc lớn lên ở nền văn hóa xem vẻ bề ngoài cơ thể gắn liền với sự thành công hoặc hạnh phúc có thể tạo áp lực cho mọi người khi cố gắng đáp ứng các tiêu chuẩn phi lý này.
✔ Yếu tố tâm lý: Những người không hài lòng với cuộc sống hoặc theo chủ nghĩa hoàn hảo có nguy cơ cao hơn. Hoặc có tình trạng sức khỏe tâm thần như lo âu cũng có thể làm tăng nguy cơ của rối loạn ăn uống.
 
Tuy nhiên, có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ này không đồng nghĩa là bạn chắc chắn sẽ bị rối loạn ăn uống.
 
♦ Những lựa chọn điều trị
Nếu bạn cho rằng mình có thể bị rối loạn ăn uống, điều quan trọng là phải tìm kiếm sự trợ giúp. Rối loạn ăn uống gây đau khổ, khó chịu và trong một số trường hợp, có thể đe dọa đến tính mạng.
 
Chuyên gia chăm sóc sức khỏe có thể đưa ra chẩn đoán chính xác, giới thiệu bạn đến một chuyên gia về rối loạn ăn uống và đề xuất các lựa chọn điều trị phù hợp nhất cho mỗi người.
Các lựa chọn điều trị cho chứng rối loạn ăn uống sẽ khác nhau tùy người, nhưng thường bao gồm:
 
✔ Trị liệu tâm lý: liệu pháp trò chuyện
✔ Dùng thuốc để điều trị các tình trạng thể lý khác cùng tồn tại
✔ Làm việc với chuyên gia dinh dưỡng
 
Trong điều trị, nhà trị liệu sẽ giải quyết những căn nguyên cơ bản dẫn đến chứng rối loạn ăn uống của bạn. Nhà trị liệu cũng có thể hỗ trợ khi bạn xuất hiện cảm giác nào đó khác lạ trong quá trình hồi phục.
 
Dù không có thuốc đặc trị cho chứng rối loạn ăn uống nhưng thuốc có thể giúp kiểm soát một số triệu chứng thể lý của chứng rối loạn ăn uống như táo bón. Dùng thuốc cũng giúp điều trị các tình trạng hoặc triệu chứng sức khỏe tâm thần khác mà bạn mắc phải như trầm cảm hoặc lo âu.
 
Ngoài ra, chuyên gia dinh dưỡng có thể giúp bạn thay đổi những suy nghĩ cứng nhắc về thức ăn, cơ thể và cân nặng. Họ cung cấp thông tin dinh dưỡng chính xác để hỗ trợ quá trình phục hồi. Chuyên gia dinh dưỡng có thể lập một thực đơn cho bữa ăn hỗ trợ nhu cầu dinh dưỡng.
Bạn có thể sẽ cần tìm kiếm một chuyên gia dinh dưỡng có chuyên môn hoặc có kinh nghiệm về chứng rối loạn ăn uống.
 
Nhiều người điều trị ngoại trú nghĩa là tại nhà bằng cách tham gia các nhóm điều trị. Một số người khác cần được chăm sóc đặc biệt hơn, đôi khi có nghĩa là được điều trị tại bệnh viện (hay còn gọi là điều trị nội trú).
 
Mức độ điều trị phụ thuộc vào quá trình phục hồi chứng rối loạn ăn uống.
 
♦ Sống chung với rối loạn ăn uống
Kiểm soát chứng rối loạn ăn uống có những khó khăn riêng, ngay cả là với một nhóm điều trị và hệ thống hỗ trợ mạnh mẽ. Nhưng có cũng có những cách có thể giúp bạn trong việc kiểm soát.
 
Nếu bạn đang sống chung với chứng rối loạn ăn uống, thì có thể hữu ích khi nhớ vài điều sau:
 
✔ Tự chăm sóc bản thân: Làm những việc bạn thích như xem tivi hoặc chơi với thú cưng. Tự chăm sóc bản thân – nghĩa là làm bất cứ điều gì cho bạn có thể làm giảm căng thẳng, trầm cảm và lo âu.
✔ Trò chuyện với người khác về những gì bạn đang trải qua: Nói chuyện với những người đáng tin cậy, có thể hỗ trợ bạn về chứng rối loạn ăn uống như bạn thân, thành viên gia đình hoặc ai đó trong nhóm hỗ trợ. Điều này có thể giúp bạn bớt cảm thấy cô đơn và cô lập.
✔ Tự thưởng cho bản thân hồi phục: Tự thưởng cho bản thân vì bất kỳ tiến bộ nào bạn đạt được trong quá trình phục hồi. Phục hồi rối loạn ăn uống có thể khó khăn, vì vậy hãy ăn mừng vì điều đó.
 
♦ Giúp đỡ người bị rối loạn ăn uống
 
Nếu bạn biết ai đó mắc chứng rối loạn ăn uống, có một số cách bạn có thể nói chuyện với họ về nó và khuyến khích họ nhận được sự giúp đỡ.
 
Nhiều người bị rối loạn ăn uống không tự tìm cách điều trị. Họ có thể cảm thấy lo lắng hoặc xấu hổ về việc được giúp đỡ. Thậm chí đôi khi họ không biết là hành vi của mình là tiêu cực.
Trò chuyện điều này với người thân hoặc người mình yêu quý có thể rất khó khăn. Trước khi tiếp cận, bạn có thể:
 
✔ Tự tìm hiểu về chứng rối loạn ăn uống: Thông tin chính xác sẽ giúp bạn nói chuyện được với người thân của mình.
✔ Tránh các giải pháp đơn giản hóa quá mức: Phục hồi sau chứng rối loạn ăn uống không phải là “sức mạnh ý chí”. Yêu cầu người thân “Đừng uống say nữa” hoặc “Chỉ ăn thôi” là điều không giúp ích chút nào.
✔ Tránh phê phán: Nói với người thân rằng mắc chứng rối loạn ăn uống không phải là điều gì đáng xấu hổ. Luôn động viên rằng họ có thể phục hồi.
 
♦ Điều gì tiếp theo?
 
Cho dù bạn đang sống chung với chứng rối loạn ăn uống hay biết ai đó đang mắc bệnh, chúng ta không đơn độc. Rối loạn ăn uống là tình trạng sức khỏe tâm thần phổ biến và có thể điều trị được.
 
Sống chung với chứng rối loạn ăn uống không có gì đáng xấu hổ và có thể khỏi bệnh.
Nếu nghĩ rằng mình bị rối loạn ăn uống hoặc lo lắng về cảm giác thức ăn và hình ảnh cơ thể, việc tìm kiếm sự hỗ trợ là điều cần thiết cho sức khỏe thể chất và tinh thần của bản thân.
 
Bạn có thể bắt đầu bằng cách liên hệ với chuyên gia y tế để có thể thảo luận về các lựa chọn điều trị. Ngoài ra còn có các cộng đồng trực tuyến và số điện thoại đường dây nóng nơi bạn sống có thể nhận thông tin và hỗ trợ.
 

Related Articles

Responses